Một kênh giám sát hoạt động của cán bộ y tế và bệnh viện

Bên dưới -
- Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
Trên đầu - Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyên Thị Kim Tiến Sau một năm triển khai, đường dây nóng (ĐDN) đã phủ sóng tất cả các bệnh viện trong cả nước, trở thành kênh thông tin quan trọng để giám sát hoạt động của cán bộ y tế và bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế với người bệnh.
Sau một năm triển khai đã có gần 100 nghìn cuộc gọi đến ĐDN. Tuy nhiên chỉ có hơn 35 nghìn cuộc gọi đúng mục đích. Các cuộc gọi này phản ánh nhiều nhất là về tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, nội quy cơ sở y tế (10.108 cuộc gọi); tiếp đó là phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh; về quy trình chuyên môn; về các vấn đề liên quan đến viện phí và thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); và một số tiêu cực như vòi vĩnh, đòi hối lộ...
Tháng 1-2014 chỉ có 331 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi, đến tháng 11-2014 số cuộc gọi đúng đã là 6.344, tăng gần 20 lần. Bên cạnh số lượng cuộc gọi gia tăng thì phân tích ở khía cạnh nội dung các cuộc gọi giữa các tháng trong năm 2014 cho thấy một phần bức tranh ngành y tế Việt Nam.
Thời gian đầu, các cuộc gọi của người dân tập trung phản ánh về quy trình chuyên môn, tiêu cực trong các cơ sở y tế với tỷ lệ rất cao, các ý kiến về viện phí, cơ sở vật chất, thái độ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đến các tháng cuối năm 2014, nội dung phản ánh đến ĐDN lại có sự thay đổi khá rõ, các ý kiến phản ánh về quy trình chuyên môn, tiêu cực có xu hướng giảm, các ý kiến phàn nàn về cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế, viện phí và chế độ BHYT lại tăng. Tuy nhiên, các ý kiến phản ánh về thái độ của nhân viên y tế vẫn chưa có xu hướng giảm mặc dù thời gian qua các đơn vị y tế đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ vi phạm.
Việc tăng nhanh số lượng cuộc gọi phản ánh thời gian qua cho thấy, người dân biết đến ĐDN ngày một nhiều hơn.
Kết quả xử lý các sai phạm của nhân viên y tế một cách nghiêm túc, triệt để cũng đã tạo niềm tin cho người dân khi gọi điện đến ĐDN.
Hiện tại, trong khối các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có một số bệnh viện đang gặp vấn đề quá tải bệnh viện có số ý kiến phản ánh nhiều nhất về cơ sở vật chất và quy trình chuyên môn. Ở Hà Nội, Bệnh viện Nhi T.Ư là đơn vị có nhiều ý kiến phản ánh tới ĐDN nhất (121 cuộc gọi), Bạch Mai (93 cuộc gọi), K (87 cuộc gọi); tại TP Hồ Chí Minh, đơn vị nhận được nhiều ý kiến phản ánh nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy (87 cuộc gọi) và tại miền trung, Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế nhận được nhiều phản ánh nhất (56 cuộc gọi).
Liên quan các cơ sở y tế của địa phương, các đơn vị y tế của Hà Nội có số cuộc gọi nhiều nhất (1.978 cuộc gọi), đứng thứ hai là TP Hồ Chí Minh với 786 cuộc gọi, thứ ba là Thanh Hóa với 206 cuộc gọi. Như vậy, hai địa phương lớn nhất trên toàn quốc, nơi có điều kiện phát triển cơ sở vật chất và nhân lực y tế nhưng số lượng cuộc gọi của người dân phản ánh sự không hài lòng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế lại cao hơn nhiều lần so với các địa phương còn lại.
Sau khi tiếp nhận các cuộc gọi, tổ thường trực hoặc lãnh đạo bệnh viện trực tiếp xác minh thông tin phản ánh và giải quyết nhanh các vấn đề người dân phản ánh. Tùy từng mức độ sai phạm của nhân viên y tế mà lãnh đạo bệnh viện, sở y tế quyết định các hình thức xử lý, đủ sức răn đe làm gương cho người khác.
Hình thức xử lý nhiều nhất là khiển trách và cắt thi đua. Các trường hợp sai phạm liên quan quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc và cách chức. Cụ thể, đã có 6.807 cán bộ bị nhắc nhở, 137 cán bộ bị khiển trách, 116 cán bộ bị cắt thi đua, 18 cán bộ bị điều chuyển vị trí công tác, sáu cán bộ bị cách chức và bốn cán bộ bị nghỉ việc.
Một số vụ việc tiêu biểu do người dân phản ánh đã được các bệnh viện tiếp nhận và xử lý kịp thời. Ngay sau khi có ý kiến phản ánh vụ việc cháu bé bốn tháng tuổi tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân (huyện Hưng Hà, Thái Bình), ngành y tế địa phương đã điều tra kịp thời và Giám đốc Sở Y tế đã ra quyết định cách chức trưởng khoa nhi, điều chuyển vị trí công tác đối với bác sĩ điều trị do không tiên lượng được diễn biến của bệnh, không tư vấn đầy đủ, gây bức xúc cho gia đình bệnh nhi; kỷ luật khiển trách hai điều dưỡng, chuyển vị trí công tác làm hộ lý. Hay vụ việc thiếu trách nhiệm, bỏ mặc sản phụ chuyển dạ để sang hỗ trợ sản phụ khác vì được bồi dưỡng tiền; chậm trễ trong việc chuyển bé sơ sinh cấp cứu chuyển tuyến trên dẫn đến bé tử vong vừa xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang cũng được giải quyết triệt để. Hội đồng kỷ luật Bệnh viện đã xử lý kỷ luật cảnh cáo và không bố trí làm công tác phẫu thuật trong thời gian ba tháng đối với bác sĩ Hồ Công Khanh; xử lý kỷ luật khiển trách đối với nữ hộ sinh Trần Thị Như Hoa và xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với y sĩ Lý Ngân Kiều.
Tại Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa Phú Thọ), sau khi người dân phản ánh việc hai trẻ cùng tiêm một xi-lanh, nữ điều dưỡng Đỗ Thị Thanh Long đã phải chịu hình thức cảnh cáo và chuyển sang làm hộ lý, thuyên chuyển công tác đến Khoa Huyết học Truyền máu, kéo dài thời gian nâng lương sáu tháng và cắt thu nhập tăng thêm ba tháng liên tiếp...
Trên cơ sở theo dõi, tổng hợp của ĐDN sau một năm triển khai cho thấy giám đốc các bệnh viện, khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân đều khẩn trương tổ chức rà soát lại quy trình khám, chữa bệnh, tiếp đón người bệnh. Từ việc tiếp nhận phản ánh của người dân qua ĐDN, phần lớn bệnh viện trong cả nước đều nhận thấy đây không chỉ là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân mà còn là công cụ giám sát hữu hiệu để cán bộ y tế có ý thức hơn trong quá trình hành nghề.
Bên cạnh các trường hợp bị xử lý nghiêm khắc, cũng từ thông tin phản ánh đến đường dây nóng các đơn vị đã tổ chức khen thưởng cho 229 tập thể, cá nhân vì những thành tích xuất sắc, hết lòng tận tình phục vụ người bệnh. Đồng thời, từ những ý kiến đóng góp của người dân, rất nhiều đơn vị đã tổ chức cải tiến quy trình khám, chữa bệnh để phù hợp thực tế.

Không có nhận xét nào:

Bộ Y Tế Việt Nam