Đầu tiên là Nigeria rồi đến Mali,
các nước này đã công bố thoát khỏi đại dịch Ebola. Những gì các quốc gia này đã
thể hiện được xem là kinh nghiệm để các quốc gia khác học tập trong cuộc chiến
với loại virut chết người này.
Ngày 20/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
công bố Nigeria đã thoát dịch Ebola. Một bài báo trên trang NBC News nói rằng,
Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, có thể đem đến “một lộ trình đầy hy
vọng để kiểm soát Ebola”.
Nigeria ở ngay gần sát tâm của vùng dịch
Ebola, và căn bệnh nguy hiểm đã vào nước này khi một hành khách bị ốm bước
xuống khỏi một chuyến bay thương mại. Tuy nhiên, giới chức Nigeria đã ngăn chặn
thành công sự lan rộng của bệnh dịch.
Trong khi đó, ở các quốc gia láng giềng
Sierra Leone, Liberia, và Guinea, mọi chuyện lại không như thế. Ba nước này đã
trở thành tâm dịch Ebola, nơi loại virus chưa có thuốc đặc trị đã cướp đi sinh
mạng của hơn 4.000 người trong tổng số hơn 8.000 người bị nhiễm.
Tiếp theo đó, Liên hợp quốc và Chính phủ
Mali ngày 18/1, cũng tuyên bố quốc gia châu Phi này đã thoát khỏi dịch Ebola
sau 42 ngày không xuất hiện trường hợp lây mới nào. Bộ trưởng Y tế Mali
Ousmane Kone khẳng định kể từ ngày 6/12 năm ngoái, tại Mali không ghi nhận thêm
ca nhiễm virus Ebola nào và như vậy Mali đã chính thức thoát khỏi virus gây
chết người này.
Những gì hai quốc gia này đã cố gắng chiến
đấu với bệnh dịch là điều đáng để các quốc gia khác học tập. Với ca nhiễm Ebola
đầu tiên của Nigeria được xác nhận, nhà chức trách nước này đã ngay lập tức
vạch ra quy trình nhằm xác định những người đã có tiếp xúc với bệnh nhân, đồng
thời mở một trung tâm khẩn cấp để điều phối và giám sát phản ứng toàn quốc với
dịch bệnh.
Trung tâm khẩn cấp này làm việc với các
sân bay và các hãng hàng không của Nigeria, xác định bất kỳ ca nghi nhiễm Ebola
nào, khử trùng toàn bộ sân bay và các khu vực nơi có người bị nghi đã tiếp xúc
với virus.
Các màn hình đo thân nhiệt cũng được triển
khai tại các khu vực xuất nhập cảnh ở Nigeria. Giới chức y tế Nigeria đã sử
dụng nhiều nguồn khác nhau, bao gồm lịch sử các cuộc gọi điện thoại và danh
sách hành khách đi máy bay để xác định gần 900 người có thể đã tiếp xúc với
Ebola thông qua bệnh nhân số 0 Sawyer hoặc những người bị nhiễm virus từ ông
này.
Ngoài việc theo dõi và khoanh vùng các đối
tượng tiếp xúc với nguồn bệnh, Nigeria cũng áp dụng một quy trình phản ứng có
tổ chức cao và khoa học đối với căn bệnh nguy hiểm.
Các quan chức tham gia hoạt động phản ứng
khẩn cấp được tiếp cận với các nguồn lực tốt, và nhiều người trong số họ có
nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát các căn bệnh lây lan mạnh như bại liệt.
Với những nỗ lực không ngừng, Nigeria
và Mali đã được Liên hợp quốc công bố thoát khỏi đại dịch và đang từng bước xây
dựng lại xã hội và quan tâm nhiều hơn đến đời sống nhân dân và sức khỏe trong
một năm mới với những hy vọng mới.
-
- Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến
-
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến
-
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến
-
Không có nhận xét nào: