Bộ Y Tế: “Khó” thực hiện Luật Bảo hiểm y tế?

- Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyên Thị Kim Tiến

Nhiều bệnh nhân than thở rằng họ gặp phải áp lực lớn khi Luật quy định sẽ không thanh toán chi phí với trường hợp bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến và việc Quỹ BHYT sẽ không thanh toán hoặc giảm thanh toán với một số loại thuốc chữa ung bướu.

Luật chưa vào cuộc sống?
Có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai vào thời điểm bệnh nhân đang chờ khám, phóng viên tìm đến một số bệnh nhân và hỏi về việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Nhiều người trong số đó lắc đầu cho rằng việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT mất quá nhiều thời gian nên họ đã chọn giải pháp khám bệnh tự nguyện. Một số khác dùng thẻ BHYT nhưng khi được hỏi về điểm mới quy định trong Luật đã trả lời không biết, số còn lại than thở rằng quy định không thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến khi khám chữa bệnh là chưa công bằng.

Anh Nguyễn Văn Đông (Thái Thụy -Thái Bình) nói: Đã nhiều lần tôi đi khám chữa bệnh ở tuyến dưới và lần nào cũng cảm thấy không hài lòng buộc lòng tôi phải lên tuyến trên. Trước kia theo quy định cũ BHYT thanh toán 30% chi phí nhưng nay tôi phải chi trả toàn bộ. Gia đình tôi không khá giả nên kinh phí là một mối lo lớn.

"Nếu ngành Y tế chưa có biện pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới mà lại cứ bắt người dân đến khi gặp vấn đề về sức khỏe là đẩy phần khó về phía người bệnh", anh Đông nói.

Nhiều người cho rằng quy định này không những sẽ không giảm được quá tải ở các bệnh viện Trung ương mà còn nảy sinh thêm nhiều tiêu cực ở các bệnh viện tuyến dưới. Chị Nguyễn Thị Hà (Quốc Oai- Hà Nội) cho biết: "Gia đình nào đưa người nhà đi khám bệnh cũng mong muốn được khám ở những nơi dịch vụ tốt nhất. Nên khi muốn đưa người nhà lên tuyến trên khám, các gia đình sẽ dựa vào mối "quan hệ" để có được giấy chuyển tuyến. Như vậy sẽ nảy sinh thêm nhiều tiêu cực".

Theo chị Hà nhiều bệnh viện ở tuyến dưới thường độc quyền, ngay cả khi bệnh nhân và gia đình muốn xin chuyển lên tuyến trên để khám chữa bệnh cũng không cho chuyển viện. Nên đã xảy ra tình trạng người nhà và bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến.

Ngoài ra hiện nay tại Thủ đô Hà Nội tình trạng người dân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước về Hà Nội sinh sống, định cư có mang theo bố, mẹ ra sống cùng, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến thì phải quay về quê, gây ra những câu chuyện dở khóc dở cười.

Chị Lê Thị Phương Hoa (Mỹ Đình - Hà Nội) nói: Quê gốc của tôi ở Quảng Trị nhưng sau khi lấy chồng sinh sống tại Hà Nội. Thời gian vừa qua do sinh cháu nhỏ nên tôi đón mẹ già ra trông cháu, giờ với quy định này nếu muốn được BHYT thanh toán tôi phải đưa mẹ ngược về Quảng Trị khám bệnh. Như vậy mất thời gian, công sức mà chi phí đi lại có khi còn vượt quá cả tiền khám bệnh. Do vậy tôi đành ngậm ngùi đưa mẹ đi khám bệnh vượt tuyến mỗi lần sức khỏe của cụ có vấn đề.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng kêu khó khi thực hiện việc mua BHYT bắt buộc. Chị Lê Thị Thanh Nhàn (Lạc Sơn - Hòa Bình) nói: Nhiều năm nay tôi có thẻ BHYT nhưng chưa khi nào dùng để đi khám chữa bệnh do thấy những thủ tục hành chính rắc rối, nay lại buộc cả gia đình tôi mua BHYT là một sự lãng phí lớn với gia đình vì đằng nào chúng tôi cũng sẽ khám theo hình thức tự nguyện.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Thanh Oai - Hà Nội) chia sẻ: "Mua BHYT cho một người trong nhà còn có thể, bây giờ bỏ ra một khoản tiền lớn để mua BHYT cho 5 người trong gia đình cũng hơi khó với tôi".

Ông Đặng Văn Phú (Hà Đông - Hà Nội) có con bị bệnh ung thư máu đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: Con tôi đang được hưởng chế độ BHYT học sinh và được chi trả 80% theo chế độ BHYT. Do gia đình khó khăn và việc chữa trị căn bệnh của con ông Phú tốn kém nên tôi muốn xin chuyển sang chế độ BHYT hộ nghèo để được thanh toán 95% viện phí.

Tuy nhiên, ông Phú nói rằng để được cấp sổ BHYT hộ nghèo phải đợi đến tháng 8-2015 các hộ dân trong xóm bình xét, rồi danh sách chuyển lên phường và quận để được cấp.

"Tháng 11 vừa rồi tôi có ra phường để xin cho cháu được hưởng BHYT hộ nghèo nhưng chính quyền phường thông báo phải chờ đến đợt xét duyệt. Con tôi bị bệnh hiểm nghèo, liệu cháu có chờ được đến đợt xét duyệt hay không", ông Phú than.

Cũng tại Khoa Nhi - Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nhiều gia đình bệnh nhân đang lo lắng khi một số loại thuốc chữa bệnh ung bướu chỉ được Qũy BHYT thanh toán 50%. Bác Ngô Thị Đông  (Lý Học - Hải Phòng) tâm sự: Những gia đình đã đưa con vào đây điều trị xác định lâu dài và tốn kém nên khi biết thông tin quỹ BHYT giảm thanh toán một số thuốc điều trị ung bướu xuống còn 50% khiến chúng tôi rất lo lắng. Ở đây có những cháu phải truyền những loại thuốc từ 45 đến 50 triệu đồng/chai. Trước kia BHYT thanh toán 100% gia đình còn khốn đốn huống chi giờ đây lại giảm thanh toán, nên càng thêm gánh nặng cho bệnh nhân.

Chị Đào Thanh Hải (Xa La - Hà Đông) nói: Tôi đang điều trị ung thư vú phải dùng thuốc Doxorubicin. Trước kia loại này được BHYT chi trả nhưng nay tôi phải đồng chi trả cùng, mà giá của loại thuốc này rất cao lên tới 4-5 triệu đồng/lọ. Tôi thực sự rất lo lắng không biết có thể đủ tiền để điều trị không nữa trong khi gia đình đã khánh kiệt vì chữa bệnh cho tôi.

Trong khi đó, một số người lại tỏ ra đồng tình chia sẻ khó khăn cùng BHXH Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Thanh Lương (Nghĩa Lộ - Yên Bái) cho biết: Tôi có biết, để chi trả tiền thuốc cho bệnh nhân ung bướu mỗi năm BHYT phải thanh toán một khoản tiền rất lớn, có thể vỡ quỹ. Để chia sẻ gánh nặng với Quỹ BHYT tôi nghĩ gia đình cũng nên chi trả một phần tiền thuốc".

Những ngày đầu thực hiện quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT không chỉ có người bệnh than phiền mà ngay cả nhân viên y tế cũng gặp phải trở ngại. Mẹ bệnh nhân Nguyễn Văn Thanh (Minh Tân - Thủy Nguyên - Hải Phòng) đang làm thủ tục nhập viện cho con chia sẻ: Cháu nhà tôi được hưởng theo chế độ BHYT mới nên được thanh toán 100% viện phí. Nhưng Luật BHYT mới được áp dụng nên tại các khâu thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Khi đi khám bệnh tôi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ rồi nhưng nhân viên làm thủ tục nhập viện vẫn báo thiếu giấy tờ phải về huyện làm lại. Sau đó tôi phải nhờ một bác sỹ giải thích cho nhân viên hành chính làm thủ tục nên những khúc mắc mới được giải quyết. Hiện đang là giao thời giữa Luật BHYT mới và Luật BHYT cũ nên các khâu mà thực hiện không tốt sẽ khổ cho người nhà và bệnh nhân".


-
- Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -

Không có nhận xét nào:

Bộ Y Tế Việt Nam