- Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyên Thị Kim Tiến (HQ Online)- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2015. Nhiều ý kiến cho rằng một số quy định trong Luật này chưa thực sự hợp lý khiến người bệnh lo lắng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn bà Tống Thị Song Hương (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế.
Trong 5 điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, việc mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT được coi là bước đột phá. Bà có thể phân tích rõ hơn về việc mở thông tuyến khám chữa bệnh thì người tham gia BHYT được lợi ra sao?
- Theo quy định của Luật, từ ngày 1-1-2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh.
Người tham gia BHYT có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở một trạm y tế xã hoặc một phòng khám đa khoa hoặc một bệnh viện huyện thì được quyền đi khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Điều đó có nghĩa là việc khám chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn, không bị giới hạn bởi một cơ sở khám chữa bệnh ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng quy định.
Về phía ngành Y tế, cần làm gì để người bệnh có thẻ BHYT được thuận lợi nhất trong quá trình khám chữa bệnh?
- Để việc thực hiện Luật được thành công, ngành Y tế luôn xác định mục tiêu quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng của việc mua thẻ BHYT là cần thiết với người dân để họ thấy được quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHYT.
Thực hiện Công điện số 01 ngày 1-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về việc chuẩn bị tổ chức, thực hiện Luật tại các địa phương, dự kiến sẽ tổ chức kiểm tra ở 20 tỉnh thành và tập trung vào 10 tỉnh có tỷ lệ BHYT dưới 60%.
Đặc biệt, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác bảo hiểm để tiến tới lộ trình BHYT toàn dân. Một việc hết sức quan trọng nữa đối với ngành Y tế đó là muốn cho người dân tham gia BHYT bắt buộc thì chất lượng dịch vụ khám y tế phải tăng lên.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng quyết liệt chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh giảm bớt các thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người dân khi khám chữa bệnh. Hiện nay thời gian để khám trung bình cho một lượt khám bệnh đã giảm được khoảng 50 phút. Bên cạnh đó Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở y tế phải tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử với người bệnh để làm hài lòng người bệnh. Bộ Y tế cũng quyết tâm xử lý nghiêm những sai phạm của y, bác sỹ thông qua việc kiểm tra, phản ánh qua đường dây nóng.
Thưa bà, hiện nay có một luồng ý kiến cho rằng việc bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến không được thanh toán BHYT là chưa thực sự phù hợp. Bà có ý kiến gì về điều này?
- Điểm mới quan trọng của Luật này là quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia BHYT đồng thời cũng có quy định để gắn trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của người tham gia BHYT. Quyền lợi của người bệnh được tăng lên rất nhiều, cụ thể với đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số… sẽ không phải đồng chi trả 5% khi khám chữa bệnh, giảm điều chỉnh mức chi trả đó từ 20% xuống còn 5% đối với một số nhóm thân nhân người có công và đối tượng người cận nghèo.
Hiện nay tình trạng bệnh nhân bị bệnh nhẹ vượt tuyến lên Trung ương rất phổ biến, vô hình trung tạo áp lực rất lớn cho các bệnh viện tuyến trên. Chính vì vậy, việc quy định thanh toán BHYT đối với trường hợp vượt tuyến đã được cân nhắc rất kỹ vì các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh đúng tuyến đều được thanh toán đúng quy định. Quy định không thanh toán BHYT đối với bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến chỉ áp dụng với tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, nên mục đích của quy định này là để người dân tuân thủ các quy định của Luật, góp phần giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên, giúp người bệnh nhận ra giá trị của y tế tuyến dưới, tin tưởng và đội ngũ y, bác sỹ tuyến dưới.
Nhưng nếu bệnh viện tuyến dưới không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh thì người dân sẽ lại vượt tuyến, vậy mục tiêu giảm tải tuyến trên sẽ không thành công?
- Ngành Y tế cũng đang tiến hành tổng thể các giải pháp như: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính; triển khai các Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án tăng cường năng lực cho y tế tuyến dưới (gọi tắt là Đề án 1816), quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ y, bác sỹ, đào tạo đội ngũ sinh viên y, dược có chất lượng...
Việc quỹ BHYT cắt giảm một số loại thuốc đắt tiền cho bệnh nhân ung bướu sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Vậy Bộ Y tế có đưa ra những biện pháp gì để hỗ trợ những bệnh nhân này, thưa bà?
- Theo ý kiến của Hội đồng các chuyên gia đầu ngành thì Danh mục thuốc được ban hành đã bảo đảm đáp ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị theo các chuyên ngành. Nếu chỉ tính riêng thuốc ung thư đã có 59 loại thuốc được quỹ BHYT thanh toán 100%. Trong số 9 loại thuốc cắt giảm tỷ lệ thanh toán trong BHYT có 4 thuốc điều trị ung thư và 5 thuốc điều trị các bệnh khớp, giải độc…
Đối với trường hợp người bệnh có thẻ BHYT vào viện trước ngày 1-1-2015 nhưng đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ áp dụng mức thanh toán hiện hành từ Quỹ BHYT đến khi người bệnh ra viện.
Riêng đối với bệnh nhân bị ung thư đang sử dụng 4 loại thuốc này tại các cơ sở khám chữa bệnh trước ngày 1-1-2015 sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo quy định cho đến hết liệu trình điều trị.
Bộ Y tế sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho những bệnh nhân ung thư từ Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ Vì ngày mai tươi sáng và thông qua các Chương trình viện trợ thuốc hoặc hỗ trợ một phần chi phí thuốc BHYT.
Xin cảm ơn bà!-
- Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến
-
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến
-
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến
-
Người đăng:
Unknown
|
Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015 |
03:27
Không có nhận xét nào: