Bàn tròn: Trẻ sinh từ mang thai hộ: Chấp nhận hai bà mẹ?

- Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyên Thị Kim Tiến Tiếp tục vấn đề "Mang thai hộ, thuận nhưng không dễ” phản ánh trên ĐĐK ngày 12-1, chúng tôi đã có cuộc trao đổi bàn tròn với PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số chuyên gia y tế, pháp lý và tâm lý xã hội xung quanh vấn đề này.
Hãy để họ tự khai!
PV: Việc mang thai hộ được luật hóa tại Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, tuy "thuận” nhưng "không dễ thực hiện”. Quan điểm của các vị về vấn đề này ?
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến: Nhu cầu nhờ mang thai hộ trên thực tế là có từ trước, nay ta mới luật hóa để đảm bảo thực hiện có thuận lợi hơn. Ban hành Luật vào thời điểm này chúng ta có nhiều kinh nghiệm từ 15 năm thành công thụ tinh trong ống nghiệm và từ kinh nghiệm mang thai hộ trên thế giới. Xét về mặt kỹ thuật sẽ không khó khăn. Thực ra, ai mang thai hộ cũng được, không ảnh hưởng đến bản chất di truyền của đứa trẻ, nhưng về pháp lý, phải quản lý ra sao để mang thai hộ không bị thương mại hóa và những vấn đề bất cập khác. Luật quy định họ phải "cùng hàng” là phòng tránh những bất cập đó.
Luật buộc họ phải có xác nhận của cấp có thẩm quyền về quan hệ họ hàng, các vị có băn khoăn gì về điều này không?
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến: Đúng là luật bắt buộc như vậy và điều đó đòi hỏi những người có trách nhiệm không được làm khó dễ cho dân cũng như cần thận trọng để tránh tiếp tay cho xu hướng thương mại hóa mang thai hộ.
PGS.TS Lưu Thị Hồng (Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế): Việc sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình cho phép mang thai hộ có tính nhân đạo, nhân văn rất cao. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ vấn thấy có một số điểm "vướng”. Theo luật, người phụ nữ mang thai hộ phải là người trong cùng huyết thống (cùng hàng) 3 đời, sẽ rất khó trong bối cảnh sinh đẻ kế hoạch hiện nay mỗi gia đình chỉ duy trì có từ 1-2 con. Luật yêu cầu người ta phải có xác nhận, chứng thực từ cấp có thẩm quyền về quan hệ này nhưng đâu phải dễ. Xã hội biến động qua nhiều thời kỳ, chính quyền các cấp cũng có nhiều thay đổi. Trong 10 trường hợp, theo tôi cùng lắm họ chỉ đáp ứng chuẩn được 1- 2 trường hợp. Vậy, tại sao không để cho người nhờ mang thai cũng như người mang thai hộ có quyền tự khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời khai này? Họ đã trưởng thành và có đủ tư cách công dân.
Đúng là tại sao chúng ta không cho họ cái quyền được tự khai và tự chịu trách nhiệm về mối quan hệ giữa họ với nhau? Nhưng nếu họ khai man?
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến: Trong vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm chúng ta đã từng cho họ tự khai, tự chịu trách nhiệm như thế. Và trên thực tế trong việc cho phép mang thai hộ cũng không nên áp dụng quá máy móc việc xác nhận quan hệ này.
PGS.TS Lưu Thị Hồng: Nên có một mức phạt thỏa đáng nào đó "đánh” vào các bên mang thai hộ "chui”. Nếu quy định cứng nhắc cứ buộc phải có cấp nào xác nhận họ hàng như vậy, tôi e có khi họ lại kéo nhau ra nước ngoài "đẻ trộm” cho nhau rồi mang "sản phẩm” về thì nhiều hệ lụy tốn kém, vất vả cũng như rủi ro hơn nhiều sẽ xảy ra. Thực ra, với không chỉ riêng tôi mà còn nhiều có nhiều người khác không nhất thiết phải ban hành quy định "cùng hàng” hay không "cùng hàng” mà chỉ ngăn cấm thương mại hóa mà thôi.
Cần chuẩn bị cho trẻ thái độ, tâm lý chấp nhận
Thưa các vị, tương lai của những đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ có vấn đề gì "sốc” về tâm lý không, nếu biết được sự thật?
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến: Trường hợp mang thai hộ cũng có nét giống nhận con nuôi nhưng khác ở chỗ người mang thai biết cái thai mang trong mình là của người khác. Do vậy khi bàn giao đứa trẻ mình mang thai hộ cho người khác, tình cảm vương vấn, day dứt của họ khác với giao đứa con mình đẻ ra cho người khác nuôi vì một lý do nào đó. Đứa trẻ nếu "chẳng may” sau này nó biết đến người trực tiếp mang nặng đẻ đau ra nó thì cũng không sao. Biết đâu là dòng giống thực, và với cách chăm sóc, yêu thương thực của những người bố, người mẹ thực, "máu mủ” của nó, tôi tin chắc đứa trẻ không đến nỗi "sốc” quá như chúng ta tưởng.

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Thực tế 15 năm nay kể từ khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ta chưa có trường hợp nào trẻ bị "sốc” về tâm lý như các anh đề cập. Tuy nhiên, chúng ta cũng lường trước việc này để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho không chỉ các đứa trẻ mà ngay cả những người cùng sinh ra nó. Dẫu sao người VN ta vẫn nặng tình nặng nghĩa với đứa con mà mình đẻ ra dù đó là do người khác "dứt ruột”. Cần từng bước để chuẩn bị cho trẻ tâm lý chấp nhận hai người mẹ một cách tích cực.
Bà Đặng Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN): Đối với người Việt Nam, việc anh em trong dòng họ nuôi con của nhau không phải là hiếm gặp. Tôi chỉ lo ngại trường hợp mang thai hộ là những người ngoài, không cùng huyết thống với nhau. Luật cần quy định những điều khoản mang tính ràng buộc để việc thực thi được chặt chẽ. Tránh trường hợp "bí mật” đột ngột bị tiết lộ sẽ gây sốc, bất ổn tâm lý của đứa trẻ sau này.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN): Sự lo lắng khi đứa trẻ biết mình không phải là con ruột của những người đang nuôi dưỡng nó sẽ gây ra những cú sốc về tâm lý cho trẻ là một thực tế mà xã hội phải đối mặt. Tất nhiên, không có điều gì có thể giữ kín vĩnh viễn. Luật có chặt đến mấy, quy định phải quán lý ngân hàng phôi, tinh trùng, trứng nhưng thế nào để tránh lộ bí mật cũng chỉ là những vấn đề mang tính nguyên tắc, lý thuyết mà thôi. Chuyện bí mật sẽ được tiết lộ là điều được báo trước.
Thực tế ở các quốc gia khác việc mang thai hộ cũng đã có, họ cũng có những quy định mang tính rằng buộc để giữ kín bí mật thông tin nhưng rút cục rồi đứa trẻ cũng biết. Chắc chắn đứa bé sẽ mặc cảm, sẽ sốc nhưng rồi cũng phải đối mặt. Vấn đề là làm thế nào để chúng sẵn sàng đón nhận sự thật này, điều đó tùy thuộc vào kỹ năng của các bậc cha mẹ. Trong phạm vi gia đình, nhiều cặp vợ chồng cuối đời đã quyết định công bố những bí mật "động trời” cho con. Người ta không muốn giấu nó cả đời. Có khi đó là nguồn cội của chúng. Vấn đề là trong đời sống hàng ngày câu chuyện giáo dục, chức năng tình cảm trong gia đình cần được đề cao để đứa trẻ cảm nhận hết tình yêu thương của các bậc làm cha, làm mẹ dành cho chúng.
Luật gia Đặng Quang Thắng (Hội Luật gia VN): Chúng ta vẫn có câu "mang nặng, đẻ đau 9 tháng 10 ngày”. Hiểu cho đúng về việc mang thai hộ theo nghĩa khoa học và pháp luật không phải lúc nào, ở đâu cũng đúng, Tư duy, nhận thức về sợi dây tình cảm giữa người mang thai hộ và đứa trẻ sinh ra vẫn gắn chặt. Nếu như người dân do hạn chế về nhận thức, vẫn cho rằng người mang thai hộ, mang nặng đẻ đau chính là "mẹ” của đứa bé do mang thai hộ, thì sẽ dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại, khi đứa trẻ lớn lên biết nguồn gốc của mình có liên quan đến người mang thai hộ. Từ đó sẽ xuất hiện rất nhiều "biện pháp” mà người nhờ mang thai sẽ tính đến để đứa trẻ sinh ra không biết ai mang thai hộ. Vấn đề là biện pháp đó có phù hợp với pháp luật và không trái đạo đức xã hội hay không mà thôi.
Xin trân trọng cảm ơn các vị!
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Luật đã ban hành nhưng trong quá trình thực hiện vẫn có thể sửa chữa, bổ sung nếu thấy có những bất hợp lý hoặc còn thiếu.
Ngọc Kha - Khánh Ly - Việt Thắng (thực hiện)-
- Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -

Không có nhận xét nào:

Bộ Y Tế Việt Nam