huốc nội gian nan tìm “chỗ đứng” ở thị trường trong nước

- Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyên Thị Kim Tiến Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, để người dân tin dùng thuốc nội thì trước hết thuốc đó phải có hiệu quả thật, chứng minh qua lâm sàng, qua tác dụng dược lý, qua thực tế…
Để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Y tế đã phê duyệt  đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" với mục tiêu đặt ra đến năm 2015 sẽ có 60% bệnh viện dùng thuốc nội; và năm 2020 thì thuốc nội chiếm 80% thị phần. Tuy nhiên, điều này xem ra vẫn là những thách thức không hề nhỏ.
Theo thống kê cho thấy, hiện thuốc nhập khẩu đặc biệt là thuốc biệt dược, thuốc còn bản quyền vẫn chiếm tới 38% thị phần. Trong khi đó, cả nước có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất thuốc y tế, với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước trên 2.200 đơn vị và 43.000 cơ sở bán lẻ. Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 234/314 hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu và 29 nhóm tác dụng dược lý theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới nhưng người bệnh vẫn có tâm lý yên tâm khi dùng “thuốc ngoại”-mặc dù có nhiều loại thuốc cũng chỉ có thành phần, công dụng tương đương với thuốc nội.
Bằng chứng là tổng số tiền mua thuốc của các bệnh viện công lập là 15.000 tỉ đồng nhưng có chưa đến 39% là thuốc nội. Đặc biệt ở các bệnh viện tuyến Trung ương, số tiền mua thuốc nội chỉ chiếm 12%, còn tại tuyến huyện cao nhất cũng chỉ chiếm gần 62% (số liệu thống kê năm 2010). Đến năm 2014, tại tuyến huyện thuốc nội vẫn chỉ chiếm 62%; tuyến tỉnh tăng lên 44% và tuyến trung ương chỉ tăng được 1% ( tương đương 13%).
 Nguyên nhân một phần do tâm lý thích dùng đồ ngoại của người dân, mặt khác cũng do những Cty nước ngoài đầu tư cho quảng bá sản phẩm rất lớn nên thuốc nội bị lấn át. Không chỉ bị cạnh tranh bởi những cty nước ngoài mà các cty dược trong nước cũng gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ chính những doanh nghiệp nội địa. Chỉ cần một cty có sản phẩm bán chạy trên thị trường thì ngay thời gian ngắn sau đó có nhiều cty khác tung ra sản phẩm với tên gọi, hình ảnh na ná dẫn đến người tiêu dùng không chọn được sản phẩm nội tốt thực sự, nên lại càng mất niềm tin vào thuốc nội.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dược phẩm Traphaco cho biết, Cty cũng rất đau đầu với tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái với những sản phẩm của công ty. Mặc dù những sản phẩm của Cty áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí có tới 5 sản phẩm được giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt năm 2014 nhưng tỉ lệ thuốc do Cty sản xuất có mặt ở các bệnh viện vẫn rất khiêm tốn (khoảng 45 sản phẩm được sử dụng cho 500 bệnh viện trên toàn quốc).
“Sau khi có Thông tư về đấu thầu thuốc thì tỉ lệ thuốc nội vào bệnh viện giảm vì ưu tiên những loại thuốc giá rẻ. Tuy nhiên, chúng tôi sản xuất theo công nghệ cao nên rất mong những loại thuốc công nghệ cao phải được ưu tiên-nhất là những sản phẩm đã được bình chọn, công nhận về chất lượng, để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm thuốc nội có chất lượng tốt thực sự. Từ đó sẽ củng cố được niềm tin của người bệnh đối với thuốc nội”, bà Thuận bày tỏ.
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, để người dân tin dùng thuốc nội thì trước hết thuốc đó phải có hiệu quả thật, chứng minh qua lâm sàng, qua tác dụng dược lý, qua thực tế… Nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn để sản xuất ra thuốc có hàm lượng công nghệ cao hơn. Hiện nay ngành dược Việt Nam đã sản xuất được tất cả 27 nhóm dược lý; chất lượng thuốc ngày càng nâng lên.
Bên cạnh, Cục Dược cũng yêu cầu các đơn vị phải thử tương đương sinh học. “Hiện nay, chúng tôi yêu cầu 12 hợp chất cần thiết phải tương đương sinh học nhưng các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện thử 44 hoạt chất. Mục tiêu đến năm 2020 là 40% thuốc sản xuất trong nước phải được chứng minh tương đương sinh học để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, chúng tôi đang triển khai chương trình Con đường thuốc Việt kêu gọi toàn thể cán bộ trong ngành y tế, đặc biệt là trong bệnh viện; bác sĩ phải quan tâm tới thuốc do Việt Nam sản xuất. Hội đồng thuốc trong bệnh viện cũng phải chú trọng đưa thuốc sản xuất trong nước vào; đồng thời truyền thông đến người dân những ưu điểm, thế mạnh, hiệu quả điều trị của thuốc sản xuất trong nước, từ đó tác động đến lựa chọn thuốc của họ”, ông Cường cho biết.
-
- Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
- Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -

Không có nhận xét nào:

Bộ Y Tế Việt Nam