TPHCM đang tìm cách giải “bài toán” giảm tải BV

Bộ Trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim TiếnĐể có thể giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện (BV) một cách đồng bộ và triệt để, TPHCM triển khai nhiều đề án trong thời gian qua, từng bước giải bài toán quá tải BV hiệu quả.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước tiên, để giảm tải toàn tuyến, Thành phố đã nhanh chóng thành lập tại 12 BV tuyến quận, huyện các khoa “vệ tinh”, cử các bác sỹ có chuyên môn cao luân phiên đến làm việc thời gian công tác từ 1 năm trở lên.

Vì vậy, hiện nay, tại các BV quận, huyện đã có thể xử lý được một số kỹ thuật mà trước đây chưa thực hiện được như mổ bắt con, mổ thai ngoài tử cung, phẫu thuật viêm ruột thừa cấp, phẫu thuật búi trĩ bằng Longo…

Bộ Trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến

Cụ thể, BV Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình triển khai khoa vệ tinh tại BV An Bình 100 giường, BV quận Tân Phú 50 giường; BV Ung Bướu xây dựng khoa vệ tinh tại BV quận 2 với quy mô 150 giường cho Khoa Nội ung bướu. Tất cả đều đã đạt công suất giường lên 100% và nâng số lượng khám chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân tăng lên 20-25% tại các BV này.

Để tập trung giảm tải cho bệnh nhân nhi (một trong những nhóm bệnh nhân hiện đang quá tải nhiều nhất tại TPHCM), Thành phố đã thành lập khoa sản-nhi tại các BV quận, huyện. Theo đó, từ năm 2013, đã triển khai kế hoạch thực hiện 20% giường bệnh sản-nhi tại các BV quận-huyện và tập trung cải tạo cơ sở vật chất, lên kế hoạch đào tạo, bổ sung bác sỹ sản. Riêng năm 2014, tổng số giường bệnh từ các khoa sản-nhi mới thành lập là 1.312 giường.

BV Nhi Đồng 1 đã triển khai khoa vệ tinh tại  BV quận Tân Phú với 70 giường, KCB cho 15.328 lượt bệnh nhân (tăng 10 lần so với số bệnh nhân KCB năm 2013); BV quận Bình Tân đến nay đã đạt được 150 giường nhi, số bệnh nhi được KCB và điều trị nội trú tại BV tăng 40%, chuyển viện giảm 15,3%...
Tính đến nay, đã có 20/23 BV quận-huyện triển khai phòng khám bác sĩ gia đình (PK BSGĐ), đạt tỷ lệ 87% và 88 trạm y tế phường xã triển khai PK BSGĐ (đạt tỷ lệ 27,7%). Trong năm 2014, các PK BSGĐ tại tuyến quận, huyện và phường, xã đã thực hiện hơn 170.000 lượt KCB cho gần 30.000 bệnh nhân lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho 22.466 người và các PK BSGĐ của trung tâm y tế phường-xã đã thực hiện 35.703 lượt KCB cho hơn 14.000 người.

Để đảm bảo cho các cán bộ luân phiên yên tâm công tác, thành phố đã thực hiện chính sách đãi ngộ thu hút cán bộ y tế đến công tác tại mạng lưới y tế cơ sở với các chế độ ưu tiên như hưởng trợ cấp hàng tháng; đào tạo định hướng chuyên khoa sau đại học cho các bác sĩ được phân công về tuyến y tế cơ sở.

Phân luồng, tuyến từ xa

Bên cạnh những kết quả ban đầu, ngành Y tế TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp giảm tải từ xa nhằm giải quyết “tận gốc” tình trạng quá tải BV ở TPHCM, đồng thời nâng cao chất lượng KCB cho người dân.

Cụ thể, trong năm 2014, ngành Y tế TPHCM đã triển khai 7 dự án trọng điểm như: 2 dự án BV Nhi Đồng Thành phố và BV Ung Bướu cơ sở 2 (quận 9) với kinh phí 10.000 tỷ đồng sẽ có quy mô 2.000 gường bệnh; BV Chấn thương Chỉnh hình mới tại huyện Bình Chánh với kinh phí 1.130 tỷ đồng sẽ có quy mô 500 gường bệnh; BV đa khoa khu vực Hóc Môn: BV đa khoa khu vực Củ Chi; BV viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Dự án Trung tâm Xét nghiệm Y khoa cũng sẽ giải quyết hàng ngàn gường bệnh và tăng năng lực KCB cho gần 400.000 lượt/bệnh nhân/năm.

Đồng thời, 24 BV của Thành phố đã và đang triển khai hỗ trợ cho BV tuyến tỉnh, BV vệ tinh của các tỉnh, thành từ miền Trung trở vào trong việc tập huấn, đào tạo; chuyển giao kỹ thuật; thực hiện phẫu thuật tại chỗ cho những ca khó.

Thanh Thủy - Báo điện tử chính phủ

Không có nhận xét nào:

Bộ Y Tế Việt Nam