Ngày 11/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020.
Ngày 11/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020. Đây là hành động cụ thể hóa việc thực hiện Đề án Giảm tải bệnh viện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên.
Trong giai đoạn từ nay tới năm 2015, ngành Y tế ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới 48 bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân (8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh) thuộc 5 chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng gồm: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Chuyên khoa ung bướu do 4 bệnh viện hạt nhân đảm trách với 22 bệnh viện vệ tinh; chuyên khoa ngoại chấn thương: 4 bệnh viện hạt nhân và 20 bệnh viện vệ tinh; chuyên khoa tim mạch: 5 bệnh viện hạt nhân và 19 bệnh viện vệ tinh; chuyên khoa sản: 2 bệnh viện hạt nhân và 10 bệnh viện vệ tinh; chuyên khoa nhi: 3 bệnh viện hạt nhân và 10 bệnh viện vệ tinh.
Mạng lưới bệnh viện vệ tinh trải dài 36 tỉnh/thành phố. Tổng kinh phí ước tính là hơn 1.700 tỷ đồng.
Kế hoạch sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn: từ 2012 đến 2015 xây dựng bệnh viện vệ tinh tại tuyến tỉnh; từ 2016 đến 2020 xây dựng bệnh viện vệ tinh ở tuyến quận huyện.
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở làm bệnh viện vệ tinh phải được đào tạo, có trang thiết bị, có phòng ốc, phải thực hiện được kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao. Bệnh viện tuyến trên (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) sau khi chuyển giao kỹ thuật không nhận bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật đó nữa, giành thời gian để thực hiện kỹ thuật cao, nghiên cứu khoa học.
Không có nhận xét nào: